“Đó là một nỗi hổ thẹn vì cả thế giới đều có thể nhìn thấy nó”
Chuck Searcy, cựu tình báo Mỹ
Trích nguồn http://vnexpress.net/projects/nhung-nan-nhan-da-cam-khong-duoc-thua-nhan-3618412/index.html ngày thứ năm 27/7/2017
Mai lục từ đống đồ ra một lọ nước sơn móng tay màu hồng cam mà nó đã xin được ở đâu đó. Cả mười ngón tay Mai đều sơn màu ấy. Nó muốn thử sơn móng tay cho cô Linh.
“Nhưng ngày mai em phải đi sự kiện” - Linh nói khẽ. Móng tay Linh được làm kỹ, tôn vẻ đẹp của những ngón tay trắng dài. Chỉ nửa ngày sau, cô sẽ xuất hiện tại một sự kiện của Liên Hiệp Quốc, cùng với Phan Anh, Chiều Xuân, Quyền Văn Minh và Astrid Bant - trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.
Nhưng chỉ nửa giây ngần ngại, Linh quyết định ngồi bệt xuống nền gạch, đưa tay ra cho Mai. Họ cùng sơn móng tay cho nhau.
Căn nhà loang lổ những mảng vữa bong tróc và nền gạch phủ một lớp bụi dày. Bốn người lớn khuyết tật đang loay hoay với công việc của họ, và sáu đứa trẻ, quần áo ngả màu, đi chân đất, ngồi quanh Linh.
“Em đã gặp nhiều nạn nhân chất độc da cam” - Linh nói - “Nhưng em chỉ gặp họ ở các trung tâm nuôi dưỡng. Chưa bao giờ em đến, để biết một gia đình nạn nhân da cam mưu sinh như thế nào”.
Trong gian nhà ngói đó là ba thế hệ của một gia đình da cam. Và thứ Linh lần đầu chứng kiến, mang hình dáng những bình gốm lăn lóc khắp nhà. Ngoài mấy sào ruộng lấy thóc ăn, nhà ấy đang làm nghề phụ: sáu đến mười hai nghìn đồng cho việc dán các mảnh vỏ trai quanh một chiếc bình gốm hay hộp gỗ, những thứ sau đó sẽ được gia công để xuất khẩu. Trong một ngày năng suất, những người lớn trong căn nhà này - bại liệt chân và thiểu năng trí tuệ - có thể hy vọng kiếm được hơn hai mươi nghìn đồng. Họ có 12 miệng ăn.
Vài phút sau, cả mười ngón tay của Linh đã được sơn màu hồng cam. Cô đã tỏ ra rất hứng thú với trò chơi của Mai.
Những ngón tay của Linh vẫn rất đẹp sau khi được tô sơn. Đó bàn tay của một hoa hậu Việt Nam. Đỗ Mỹ Linh đã ngồi xuống nền gạch ấy, Với tư cách Đại sứ hình ảnh của Hội nạn nhân chất độc da cam.
Hội nạn nhân chất độc da cam, mà Linh đại diện, khẳng định những đứa trẻ vừa chơi quanh cô là nạn nhân thế hệ ba của thứ hỗn hợp hóa học quái ác này.
Nhưng các cơ quan chức năng, thì không thể thừa nhận điều đó.
Số phận những đứa trẻ trong các gia đình da cam đã được định đoạt từ 56 năm về trước.
31 nghìn lít chất độc màu xanh lá; 464 nghìn lít chất độc màu hồng; 548 nghìn lít chất độc màu tím; 8,2 triệu lít chất độc màu lam; 19,8 triệu lít chất độc màu trắng đã đổ xuống những cánh rừng Việt Nam.
Và nhiều hơn tất cả, là 44 triệu lít chất độc da cam. Quân đội Mỹ, gọi đó là một “cầu vồng”. Họ đã vẽ một cầu vồng chết chóc trên bầu trời miền Nam Việt Nam suốt 11 năm, từ 1961 đến 1971.
Trong cầu vồng thuốc diệt cỏ ấy có 4 loại chứa dioxin, lần lượt theo hàm lượng từ cao tới thấp, là: hồng, xanh lá, tím và da cam.
Gấu Smokey trên áp phích cổ động
Đó là một chiến dịch được thiết kế tinh nghịch. Không chỉ bởi cách đánh mã những thùng thuốc vốn không màu theo một bảng màu linh loạn. Họ còn gắn sứ mệnh mới cho Gấu Smokey. Chú gấu này, vốn là một biểu tượng của ngành kiểm lâm Mỹ, với khẩu hiệu nổi tiếng: “Chỉ có bạn mới ngăn được cháy rừng”. Trong chiến dịch rải cầu vồng tại Việt Nam, Gấu Smokey béo tròn lại xuất hiện. Nhưng lần này, nó kêu gọi: “Chỉ có bạn mới ngăn được rừng”.
Hơn 20.000 chuyến bay xuất phát từ các căn cứ không quân tại miền Nam Việt Nam đã rải chất hóa học để hủy diệt những tán rừng, và riêng chất màu lam, dành cho việc phá hoại các cánh đồng lương thực.
Rất nhiều người lính của cả ba bên trong cuộc chiến, đã đi dưới cầu vồng rực rỡ ấy.
Các vị trí mà quân đội Mỹ rải "cầu vồng hóa chất"
Trong số đó, có chàng trai trẻ Phạm Văn Tiếu. Những cánh rừng mà Tiếu bước qua năm 18 tuổi, phủ một lớp chất lỏng được máy bay Mỹ rải xuống. Họ biết đó là thuốc diệt cây cỏ. Nhưng không biết rằng thứ chất lỏng ấy sẽ quyết định phần đời của mình 40 năm về sau.
Gia đình ông Tiếu sống trong một chái nhà tróc lở. Mười hai người, chỉ có hai gian nhà chừng hai chục mét vuông. Hai ông bà già, hai đứa con, Phạm Ngọc Thọ và Phạm Thọ Ngọc, hai cô con dâu, mỗi gia đình ba đứa cháu. Họ mới xây thêm được một gian nhà nữa, cho gia đình cậu út Thọ Ngọc - nhờ vào tiền quyên góp. Đơn vị đứng ra quyên góp cho họ, là Hội nạn nhân chất độc da cam huyện Ứng Hòa, Hà Nội.
“Chất độc da cam” bây giờ trở thành tên gọi chung cho dioxin và những nỗi đau mà nó để lại trên cơ thể của cả người Việt lẫn người Mỹ. Không phải vì người ta không biết rằng người Mỹ đã rải xuống Việt Nam cả một cầu vồng hóa chất, mà có lẽ, bởi những bi thương mà nó tạo ra, gọi bằng cái tên nào - chính xác hay không - cũng không còn quan trọng.
Bằng những xoay sở kiểu Á Đông, ông bà Tiếu đã tìm được cho hai đứa con trai của mình một gia đình nhỏ.
Ngọc Thọ và Thọ Ngọc đều có vấn đề về tâm thần. Hai anh em, lần lượt 35 và 31 tuổi, thỉnh thoảng lên cơn động kinh. Những lúc ổn định, họ hành xử cũng rất chậm chạp. Cả hai đều lấy vợ nhờ mai mối. Bà mối gần nhà đã tìm cho ông anh một người vợ cùng làng năm nay ngoài bốn mươi - họ chỉ gặp nhau vài lần. Còn ông em, thì thậm chí chưa gặp vợ mình lần nào trước khi cưới. Đến khi về nhà rồi, vợ anh mới hiểu rõ vấn đề của chồng.
Hai cô con dâu trở thành lao động chính. Ông bà Tiếu đều gần như bại liệt. Di chứng chiến tranh khiến đôi chân ông thường xuyên sưng phồng: ông di chuyển bằng chiếc xe lăn mà một nhà hảo tâm - cũng là cựu binh - tặng từ lâu. Chiếc xe lăn đã rỉ sét, có hình dáng một đống sắt vụn. Còn bà cũng bán thân bất toại vài năm, chỉ ngồi bệt dưới sàn đất để dán những mảnh vỏ trai lên bình.
Thế hệ thứ hai của ông bà Tiếu lần lượt sinh ra sáu đứa con. Hai con trai lớn của Ngọc đều đang học lớp một. Đứa lớn đã học lớp một 3 năm liền, còn đứa bé, đã 2 năm liền học lớp một. Mấy năm học lớp một, chúng đều chưa thể đánh vần tên mình.
“Cố cho nó đi học may ra còn biết cái chữ, không sau này khổ lắm” - ông Tiếu cố gắng trình bày hy vọng về những đứa cháu. Thằng Linh - đã 3 năm học lớp một - vẫn chưa viết được tên mình. Trong cuốn vở của nó là những dòng chữ không rõ nghĩa: có lẽ nó đã nhẫn nại vẽ lại các đường nét mà cô giáo viết ra trên bảng, nhưng bất thành.
Đứa thứ hai của nhà anh Thọ, hơn 4 tuổi, chưa biết gọi đi vệ sinh.
Nhiều người tin rằng chất độc da cam đã để lại di chứng tới đời thứ ba trong gia đình ấy.
Đó chỉ là một niềm tin cá nhân. Ông Tiếu và hai con trai được Nhà nước xác định là nạn nhân chất độc da cam. Nhưng thế hệ thứ ba thì không. Chỉ những người như bà Lý, người đã quyên góp tiền xây nhà cho gia đình, thì một mực khẳng định đây là “nạn nhân da cam thế hệ thứ ba”.
Việc đi tìm “tư cách nạn nhân” cho thế hệ thứ ba trong gia đình những người lính trở về từ chiến trường là một câu chuyện dài. Đến giờ phút này, những đứa trẻ F2 vẫn nằm ngoài lề chính sách.
Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tin rằng có hàng chục nghìn nạn nhân thế hệ thứ ba của dioxin.
Bà Lý làm việc trong Hội chữ thập Đỏ huyện Ứng Hòa và tham gia vào Hội nạn nhân chất độc da cam mà không có món trợ cấp nào. Bà duy trì nhận định về “nạn nhân da cam thế hệ thứ ba” bằng tình cảm của riêng mình. Khi được hỏi, bà dắt nhà báo đến từng nhà một, chỉ tay vào những đứa trẻ và nói rằng đây là nạn nhân chất độc da cam. Nhưng Hội của bà thì không có tư cách khẳng định điều đó. Về mặt pháp lý, đấy là chuyện của chính quyền, của ngành Lao động Thương binh & Xã hội và ngành Y tế.
“Có quá ít nghiên cứu độc lập được tiến hành ở Việt Nam về hậu quả sức khỏe lên dân bản địa” - Chris Hodges, phát ngôn viên của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội nói với hãng tin McClatchy cách đây vài năm - “Việc thiếu các dữ liệu chuẩn xác và nghiên cứu khoa học khiến việc xác định số người bị ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng rất khó khăn”.
Đó là một luận điểm quen thuộc của chính phủ Mỹ khi bàn về vấn đề dioxin. “Không có bằng chứng” cho thấy chất độc da cam là nguyên nhân gây ra khuyết tật ở những đứa trẻ này.
Ngay cả tại Mỹ, nơi mà nạn nhân dioxin - các cựu binh tham chiến tại Việt Nam - được thừa nhận, thì khi họ sinh ra những đứa con hoặc cháu khuyết tật, cuộc chứng minh cũng rất cam go.
“Đó là một sự đạo đức giả” - Chuck Searcy, một nhà phân tích tình báo từng hoạt động tại Việt Nam thời chiến, tuyên bố. Cựu binh này đã ở lại Việt Nam gần 20 năm qua để chung tay giải quyết các vấn đề hậu chiến, như bom mìn và chất độc hóa học. “Đó là một sự hổ thẹn vì cả thế giới có thể thấy nó” - ông nói, khi bàn về vấn đề nạn nhân dioxin.
Cả thế giới có thể thấy khuôn mặt của những đứa trẻ trong các gia đình có cha hoặc ông phơi nhiễm dioxin. Nhưng câu hỏi “bằng chứng đâu” trở thành chướng ngại kiên cố trên con đường họ đi tìm công lý.
***
Không ai lạ gì thái độ của chính phủ Mỹ trong vấn đề này. Nhưng câu hỏi đặt ra, với thế hệ thứ ba, là thái độ của Việt Nam như thế nào?
Chính phủ Việt Nam đã rất tích cực giải quyết vấn đề da cam, bằng việc hỗ trợ những nạn nhân thuộc thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ hai. Năm 2012, Thủ tướng đã đặt ra mục tiêu “cơ bản giải quyết” vấn đề da cam vào năm 2020.
Dù vậy sự tích cực ấy chưa xóa đi mọi rào cản kỹ thuật. Đến lúc này, làm thế nào để công nhận được nạn nhân da cam thế hệ thứ ba, vẫn là một câu hỏi không lời đáp.
Bộ trưởng Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung, trước báo giới, nhiều lần trăn trở về “thế hệ thứ ba” - và bày tỏ mong muốn được bổ sung họ vào chính sách.
“Nhiều trường hợp thế hệ thứ hai vẫn bình thường nhưng thế hệ thứ ba lại có vấn đề” - Bộ trưởng Dung nói, thừa nhận khả năng để lại di chứng của chất độc hóa học đến thế hệ thứ ba - “Theo Pháp lệnh, con bị nhiễm chất độc hóa học thì được nuôi dưỡng, nhưng đến cháu thì không được. Giờ bố mẹ người ta mất rồi thì ai nuôi? Nuôi dưỡng ở đâu? Không thể đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội được”.
Bộ Lao động vẫn “chờ chủ trương” để bắt đầu hành động.
Trong khi đó, ở phía Bộ Y tế, những người chịu trách nhiệm xác định bệnh tật liên quan đến chất độc hóa học, thì vướng mắc còn tồn đọng từ tận... thế hệ thứ nhất.
“Bộ Y tế mãi vẫn không sửa được danh mục các bệnh liên quan đến phơi nhiễm chất độc” - Trưởng ban dân vận Trương Thị Mai than phiền hồi đầu tháng 7.
“Câu chuyện tranh luận giữa Bộ Lao động với Bộ Y tế là gì? Một bên là người ta tham gia kháng chiến, hoạt động trong vùng bị rải chất độc hóa học đã được xác định. Một bên là bệnh đó có liên quan đến chất độc hóa học hay không thì lại không biết đến năm nào mới xác định được. Hai vấn đề này hiện Bộ Y tế không làm được. Nếu đã không làm được thì phải dừng cuộc tranh luận đó lại mà xác định cho người ta.” - bà Mai tỏ ra gay gắt.
Bộ Y tế chỉ có một danh mục cứng, gồm 17 loại bệnh và dị tật có liên quan đến chất độc hóa học, được ký bởi PGS Nguyễn Thị Kim Tiến từ năm 2008 - khi bà còn là thứ trưởng. Ngoài 17 loại bệnh, tật này, một người sẽ không được thừa nhận là “nạn nhân chất độc hóa học” về chính sách. Và tất nhiên, nó chỉ được áp dụng đến đời con của những cựu binh.
Trong cuộc họp gần nhất về vấn đề này, vào giữa tháng 7, thứ trưởng phụ trách mảng chất độc da cam, ông Nguyễn Viết Tiến, dành nhiều thời lượng phát biểu để lên án các “tiêu cực” trong việc xét nghiệm công nhận nạn nhân. Theo đại diện ngành Y tế, ngay cả danh mục hạn chế 17 bệnh tật còn đang bị lợi dụng để trục lợi trợ cấp.
Chúng tôi liên hệ với Đỗ Mỹ Linh vào đầu tháng 5. Ý tưởng đặt ra, là thực hiện một bộ ảnh, mà trong đó, Linh sẽ đại diện cho một thế hệ tương lai may mắn và sáng sủa của Việt Nam, đứng cạnh những con người cùng thế hệ cô - nhưng số phận đã bị bẻ quặt về phía bóng tối, thậm chí về sự quên lãng.
Cho dù Linh là đại sứ của Hội nạn nhân da cam, mục tiêu là tạo ra sự đối nghịch cố tình. Đó là một sinh viên Đại học Ngoại thương vừa giành ngôi hoa hậu Việt Nam. Và cạnh cô, là một thân xác co quắp, mà nếu không hỏi, sẽ không ai nghĩ họ thuộc về cùng một thế hệ - những người được sinh ra hơn hai thập niên sau cuộc chiến.
Và câu hỏi hình ảnh ấy đặt ra, là trách nhiệm của xã hội - hay chính xác hơn là phần may mắn của xã hội - với những con người này là gì?
Hai thế hệ trong gia đình ông Phạm Văn Tiếu được công nhận là nạn nhân chất độc hóa học; nhưng thế hệ thứ ba thì không.
Đó là lần đầu tiên Mỹ Linh - Đại sứ của Hội nạn nhân chất độc da cam - được tới và trực tiếp chứng kiến một gia đình da cam vật lộn mưu sinh.
Đạt bị bại não bẩm sinh. Trong gia đình em không có một ai được thừa nhận là nạn nhân chất độc da cam.
VnExpress cùng Mỹ Linh đến nhà Đạt hoàn toàn căn cứ vào niềm tin riêng của Hội chất độc da cam huyện Ứng Hòa, Hà Nội rằng em cũng là một nạn nhân.
Cha ông ông nội Linh đều được thừa nhận là các nạn nhân chất độc hóa học trong chiến tranh. Linh mang bệnh khiếm thị bẩm sinh giống hệt cha.
"Không hẳn là đồng tiền trợ cấp, mà chúng tôi cần công nhận xương máu đã đổ ra" - đại diện Hội nạn nhân chất độc da cam phường Hạ Đình, nói về việc thừa nhận cháu Linh.
Trịnh Trần Nam Đạt luôn nằm giữa nhà, trên một cái chiếu trúc, cơ thể teo quắt, tự đi vệ sinh ra nền nhà. Căn phòng đầy mùi nước tiểu. Người cha, anh Khoa, ngồi bên cạnh con, quanh quẩn cả ngày. Đã mười mấy năm như thế. Anh cũng không còn sức lao động.
Mười bảy năm trước, khi Đạt gồng mình lên những lần đầu tiên, gia đình đã thấy vui. Lúc ấy, Đạt mới hai tháng. "Chắc thằng này sẽ biết lẫy sớm", họ bảo nhau. Nhưng rồi đấy hóa ra là sự bắt đầu của một cuộc khổ hình.
Ông nội Đạt là bộ đội từ chiến trường B trở về. Ông mất năm 1998 vì ung thư, ở cái thời mà ngay cả chế độ công nhận nạn nhân chất độc hóa học dành cho thế hệ thứ nhất vẫn còn chưa phổ biến. Anh Khoa lớn lên khỏe mạnh, đi làm công nhân, rồi gặp vợ mình trong nhà máy giày.
Họ không có khái niệm về “chất độc da cam” cho đến khi phát hiện Đạt bị bại não. Anh chị cố gắng chạy chữa, bế bồng nhau lên bệnh viện Nhi, lên các trung tâm phục hồi chức năng. Mấy năm, rồi họ tuyệt vọng. Mấy năm, anh Khoa bỗng nhiên cũng không còn sức lao động: chân anh sưng lên và không thể mang vác nặng được nữa. Bây giờ, ngay cả bế con đi vệ sinh, anh cũng không làm được. Chính quyền tạo điều kiện cho chị bán nước mía trước cửa chùa, anh quanh quẩn trong nhà trông con, đến chiều ra dọn hàng. Thỉnh thoảng, anh xoay sở làm vàng mã: mười lăm nghìn tiền công một ngày.
Anh tin rằng mình và con là những nạn nhân da cam. Chính quyền địa phương cũng chia sẻ niềm tin ấy. Nhưng chủ tịch xã khuyên anh, đừng cố làm hồ sơ công nhận nạn nhân da cam. Để họ làm cho thằng Đạt chế độ người khuyết tật, mỗi tháng có hơn tám trăm nghìn trợ cấp, thì nhanh hơn - và khả thi hơn.
Hệ thống xét duyệt chế độ dành cho nạn nhân da cam các thế hệ sau, đã khiến nhiều người thậm chí không buồn đi tìm cho mình một “tư cách da cam” nữa.
Vợ chồng anh Khoa vẫn cố gắng chăm bẵm giao tiếp với con như một đứa trẻ bình thường. Không thể đưa vào trung tâm nuôi dưỡng được, ở đấy người ta sẽ không biết chăm con mình, người mẹ nói. Anh chị vẫn trò chuyện, và Đạt trả lời bằng vốn cử chỉ ít ỏi cậu tích lũy được trong 17 năm bại liệt. Cậu sẽ cười khi thoải mái, và gồng cứng người khi khó chịu. Thỉnh thoảng, Đạt phát âm được một từ gần giống với “Không” khi phản đối điều gì.
Rất khó tiếp nhận suy nghĩ rằng Đạt và Linh là những người ở cùng lứa tuổi.
“Em không mang theo tiền” - cô hoa hậu đứng tần ngần trước cửa khi ra về.
“Anh đưa quà cho gia đình rồi” - người viết trả lời.
“Nhưng em muốn đưa thêm” - cô gái khẽ nói, và gọi người quản lý. Họ tìm thấy một tờ bạc và cô nhét vội vào tay mẹ của Đạt.
“Em cảm thấy xã hội cần có trách nhiệm với những người này” - Linh nói với êkíp khi kết thúc hành trình. Đó là một mệnh đề đơn giản, và đặt trong nhiều bối cảnh khác, là một sáo ngữ. Nhưng trong bối cảnh của những nạn nhân da cam thế hệ thứ ba, thì nó lại là một câu hỏi khó.
Những gia đình có hơn một thế hệ nạn nhân da cam có thể gói mình trong một trạng thái tâm lý phức tạp.
Ông Lâm - người lính từ chiến trường B trở về - tự trách mình vì đã bắt các con thừa kế một nỗi đau. Ông bật khóc, khi kể về thời điểm phát hiện ra đứa cháu nội bị khiếm thị.
Tôi tự trách mình tại sao lại sinh ra chúng nó để chúng nó phải khổ.
ông Lâm
Vợ ông cũng khóc. Họ không sống trong nghèo đói, như rất nhiều “gia đình da cam” có thể kể đến. "Nhưng không khí buồn bã đã đeo đẳng gia đình này nhiều chục năm qua", bà nói.
Đứa con trai duy nhất của ông bà hỏng mắt từ khi chào đời. Thị lực của anh Đức liên tục suy giảm, cho đến tuổi trưởng thành, thì hoàn toàn mù. Anh được xác định là nạn nhân chất độc da cam.
Số phận mang đến cho anh một người phụ nữ tốt. Vợ chồng ông Lâm hết lời khen con dâu. Chị lành lặn, quyết yêu và cưới anh, bất chấp sự phản đối quyết liệt của gia đình. Mấy lần ông Lâm lặn lội về quê chị xin dâu, cộng với sự cương quyết của người phụ nữ đã yêu, cuối cùng gia đình bên kia phải đồng ý.
Nhưng đứa con đầu lòng của họ, cũng mang bệnh giống cha. Linh là một đứa trẻ vô tư và tự tin. Cô bé đối thoại mạch lạc với những người lớn tới thăm, không ngại ống kính máy ảnh. Khi người lớn nói chuyện, Linh tha thẩn chơi trong nhà, và còn tìm giấy vẽ: cô bé vẫn có thể viết và vẽ nếu dí sát mắt xuống bàn.
Linh vẫn đi học bình thường, và là học sinh tiên tiến. Nhưng thị lực của Linh sẽ liên tục giảm cho đến khi mù hẳn, ông Lâm nói. Cuộc chuyện trò khựng lại khi bàn đến tương lai của Linh. Ông Lâm chỉ hy vọng nó có đủ thị lực để học đến hết phổ thông. Còn sau đó, thì chưa biết.
Người lính đã đi dưới “cầu vồng thuốc diệt cỏ” bây giờ không trách móc chủ nghĩa đế quốc, không trách móc sự thiếu quan tâm của chính quyền. Xã hội đã để cho người lính ấy, sinh ra tâm lý tự trách mình.
Họ tha thiết mong chờ những sự đoái hoài.
Gia đình ông Tiếu tha thiết giữ chân các nhà báo ở lại ăn bữa cơm gạo mới. Mâm cơm có một bát cà muối và một đĩa rau muống luộc. Họ chạy vội sang nhà hàng xóm xin được mấy quả sấu, và đun vội một bát canh với xương. Cuối cùng, sau một nỗ lực vội vàng, khi cơm đã được dọn ra, trên mâm xuất hiện nửa cây giò.
Những miếng giò được gắp rất thận trọng - đủ để các vị khách nhận ra rằng nó là một phần rất bất thường của mâm cơm. Ông bà Tiếu chỉ ăn vội chút cơm chan với nước canh, rồi nói rằng mình không ăn được nhiều. Đĩa giò còn tới hơn một nửa khi bữa cơm kết thúc. Chủ yếu được gắp bởi các vị khách Hà Nội.
Những đứa trẻ con tự vầy trong bát cơm trắng chan nước sấu của mình. Chiếc chiếu ngập trong cơm ướt chúng vãi ra xung quanh. Những người lớn, không thể di chuyển hoặc hành xử rất chậm chạp, lầm lũi ăn, để mặc chúng tự xoay sở với bát cơm của mình.
Trẻ con không gắp một miếng giò nào. Một miếng giò được gắp vào bát của đứa bé, được để nguyên đến cuối. Bằng cách nào đó, những vị khách cùng nhận ra một điều: Những đứa trẻ trong gia đình này không biết ăn giò.
Và bi kịch của họ có thể sẽ còn nối dài rất lâu. Di chứng của chất độc da cam có thể để lại tới đời thứ 5, một số chuyên gia Mỹ khẳng định.
Bài: Đức Hoàng - Hoàng Phương
Ảnh: Đỗ Mạnh Cường